Lượt xem: 282

Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Canh tác lúa được xem là nguồn thu nhập chính của hầu hết bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích gieo trồng lúa hằng năm trên địa bàn tỉnh ước hơn 353.600 ha, sản lượng lúa hơn 2,2 triệu tấn. Để canh tác lúa đạt năng suất và sản lượng theo mục tiêu tỉnh đề ra, ngoài công tác hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình canh tác hiệu quả như IPM, VietGAP… Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng còn phối hợp các đơn vị liên quan, triển khai đến bà con nông dân Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đã góp phần giảm chi phí mùa vụ tăng thu nhập tại hộ.

 


Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành - Nguyễn Văn Đậm bên cánh đồng lúa của hợp tác xã, canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trong mùa vụ thu hoạch, lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu do Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp Công ty cổ phần phân bón Bình Điền triển khai thực hiện bắt đầu vào vụ lúa Đông - Xuân năm 2020, tại các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị và Trần Đề với diện tích thực hiện chương trình là 37 ha của 30 hộ. Kết quả thực hiện chương trình góp phần giảm chi phí sản xuất từ 2,1 triệu - 2,8 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận mùa vụ canh tác lúa từ 3,2 triệu - 4,4 triệu đồng/ha. Để đạt được thành quả của chương trình, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đã mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thông minh đến hộ dân tham gia chương trình, nhằm giúp bà con nắm vững các kiến thức trong quá trình theo dõi cây lúa tăng trưởng từng giai đoạn để biết cách chăm sóc, quản lý, đảm bảo năng suất lúa sau thu hoạch.

    Hộ dân tham gia thực hiện Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, phải sử dụng giống lúa gieo sạ cấp xác nhận và được Công ty cổ phần phân bón Bình Điền hỗ trợ 100% phân bón, trong suốt quá trình canh tác lúa; đồng thời, hộ dân được hướng dẫn quy trình bón phân trong thời gian cây lúa sinh trưởng phù hợp theo từng giai đoạn của cây. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng còn kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia vào chương trình để hỗ trợ nông dân trong khâu gieo sạ bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, với mục tiêu vừa giúp nông dân tiếp cận cơ giới hóa trong canh tác lúa thông minh, vừa giảm giá thành cho mùa vụ canh tác lúa. Đặc biệt, nông dân tham gia chương trình được các nhà khoa học chuyên ngành phổ biến các kiến thức trọng tâm về đặc tính của lúa, vòng đời của các loại sâu hại, đặc điểm nhận biết từng loại dịch bệnh hay gặp trên lúa. Từ đó, bảo vệ tốt cho cây lúa, giúp lúa sống khỏe.

    Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành, huyện Kế Sách - Nguyễn Văn Đậm, cho biết: “Gần 3 năm qua, hợp tác xã thực hiện Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên diện tích cánh đồng gần 500 ha của hợp tác xã cho thấy, chương trình đã góp phần giảm chi phí đầu tư đáng kể. Cụ thể, lượng giống gieo sạ giảm gần 50% so với trước khi áp dụng chương trình, tăng lợi nhuận sau thu hoạch 4,5 triệu đồng/ha. Cánh đồng hợp tác xã hầu như không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi thành viên đã am hiểu hết quy luật của các loại sâu, rầy tấn công lúa nên áp dụng các biện pháp sinh học trên đồng ruộng và sử dụng các chế phẩm sinh học phòng, trừ sâu hại. Đặc biệt là nông dân đã ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác lúa, để có sự so sánh, điều chỉnh chi phí mùa vụ canh tác phù hợp. Nhờ canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, nên toàn bộ diện tích lúa sau thu hoạch của hợp tác xã được công ty bao tiêu đầu ra, giá cao hơn bên ngoài từ 500 đồng - 1.100 đồng/kg”.

    Đồng chí Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thông tin, đơn vị rất quan tâm chú trọng đến việc canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, bởi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp nên phương pháp canh tác lúa thích ứng biến đổi khí hậu sẽ đảm bảo năng suất, chất lượng lúa cho bà con nông dân, thông qua các quy trình canh tác thông minh. Chính vì vậy, khi triển khai chương trình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, hộ dân rất đồng tình tham gia và ủng hộ. Theo đó, chương trình đã thu hút được sự tham gia vào cuộc của các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ giới hóa, phân bón, tiêu thụ lúa cùng tham gia để hỗ trợ bà con nông dân. Trong thời điểm hiện tại và tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục nhân rộng Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, rộng khắp các cánh đồng lúa trên toàn tỉnh, nhằm giúp bà con nông dân canh tác lúa bền vững, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 8295
  • Trong tuần: 79,002
  • Tất cả: 11,802,322